Rác thải đang là vấn nạn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất hiện nay. Tình trạng rác thải được vứt, xả không đúng nơi quy định tại những khu vực đông dân cư đang là vấn đề nóng cần được xử lý, giải quyết dứt điểm. Người ta chỉ cần một giây để vứt rác. Chúng ta cần vài giờ để dọn sạch bãi rác tự phát, nhưng phải cần cả vài năm để thay đổi thói quen xả rác tại một địa điểm nào đó của người dân
Hiện tại, xã Tam Đàn có nhiều khu vực người dân tự vứt rác, tự tạo thành bãi rác, người này sẵn tay ném một bịch rác xuống bãi đất trống ven đường, người kia thấy vậy mang “để nhờ” một vài món đồ cũ không biết ném đi đâu,.. thế là bãi rác được hình thành. Cứ như vậy, bãi rác dần được hình thành ngay giữa những khu vực vốn là đồng xanh, hoặc khu vực hành lang ven đường, nơi hàng ngày người người, xe xe vẫn qua lại tấp nập, nhộn nhịp.
Để giải quyết phần nào những bãi rác tự phát trên địa bàn xã, UBND xã Tam Đàn đã xây dựng mô hình “Camera giám sát đảm bảo vệ sinh môi trường” thí điểm tại thôn Phú Yên (trên tuyến đường DH3) và thôn Thạnh Hòa (trên tuyến đường DT615) để xóa các “điểm đen” môi trường trên địa bàn xã.
Hình ảnh Camera giám sát đảm bảo vệ sinh môi trường tại xã
Địa phương xác định việc gắn camera giám sát không nhằm mục đích áp dụng chế tài để lấy tiền phạt mà mong muốn sau khi xử lý một vài trường hợp làm gương sẽ lan tỏa thông tin, giúp người dân nâng cao nhận thức chấp hành không xả rác bừa bãi.
Qua gần 1 tháng sau khi gắn camera, Cán bộ phụ trách công tác môi trường của xã cùng với cán bộ của 2 thôn Thạnh Hòa và Phú Yên đã luân phiên theo dõi, giám sát những trường hợp xả rác tại “điểm đen” trên điện thoại cá nhân. Kết quả, phát hiện hơn 20 trường hợp vi phạm và yêu cầu các trường hợp vi phạm tự khắc phục bằng hình thức tự thu gom lượng rác mình xả thải ra mang trở về nhà và cam kết không tái phạm, tuân thủ các quy định của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, đăng tải hình ảnh, video vi phạm lên trang thông tin của xã, mạng xã hội nếu cá nhân, tổ chức đó không hợp tác tự khắc phục theo yêu cầu. Từ đó đến nay, mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng người dân, đặc biệt tại thôn Phú Yên đã chấp hành tốt, chưa phát hiện thêm trường hợp nào vi phạm.
Bên cạnh đó, đối với “điểm đen” tại thôn Thạnh Hòa (trên tuyến đường DT615) lưu lượng người lưu thông qua lại lớn, các trường hợp vi phạm cư trú ở nhiều địa phương khác nhau, nên đã huy động thêm các đồng chí đoàn viên là lực lượng dân quân thường trực xã trực tiếp canh gác tại vị trí “điểm đen” vào các khung giờ cao điểm.
Hình ảnh bảng cấm đổ rác và camera giám sát môi trường tại tuyến đường ĐT615 thôn Thạnh Hòa
UBND xã sẽ tiếp tục lắp đặt thêm ở các vị trí còn lại theo kế hoạch và triển khai trên địa bàn 5 thôn huy động xã hội hóa để lắp đặt thêm.
Tuy nhiên, việc lắp đặt camera giám sát áp dụng chế tài mới chỉ là bước đầu nâng cao nhận thức cho người dân không xả rác tại các “điểm đen” rác thải chứ chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi hiện nay, một số địa bàn thôn như Đàn Trung, Đàn Long còn khó khăn trong việc chọn địa điểm để xây dựng điểm tập kết rác thải tập trung và ý thức đồng thuận đóng kinh phí dịch vụ môi trường thu gom rác thải của người dân chưa cao.
Do đó, trong thời gian tới, UBND xã Tam Đàn sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xóa các “điểm đen” môi trường. Cụ thể, địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn xã, trong đó thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Đối với các cơ sở không khắc phục ô nhiễm, sẽ yêu cầu ngừng hoạt động, di dời.
Đối với các điểm tập kết rác sinh hoạt, UBND đề ra các giải pháp xử lý: Tăng cường hoạt động của các thành viên Tổ thu gom rác thải tại các thôn, tăng cường công suất vận chuyển, không để rác tồn đọng; tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bảo đảm toàn bộ rác sinh hoạt của tất cả các hộ dân được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm như: xả rác thải không đúng nơi quy định, đốt rác thải sinh hoạt trong khu dân cư; đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quản lý chất thải nhựa trên địa bàn huyện Phú Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, không để phát sinh rác sinh hoạt thành từng điểm không được thu gom. Rà soát xây dựng thêm các điểm tập kết rác thải tại các thôn, đảm bảo thuận tiện trong quá trình vận chuyển, tập kết.
Kiến nghị đề xuất với UBND huyện Phú Ninh chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện, yêu cầu Công ty Cổ phần môi trường đô thị Quảng Nam thu gom vận chuyển rác đảm bảo đúng lịch đã thống nhất, bảo đảm thuận tiện, hợp vệ sinh, giảm thiểu phát sinh mùi hôi, bảo vệ môi trường.
Quyết liệt nhiều giải pháp huy động 100% cá nhân, tổ chức tham gia đóng phí bảo vệ môi trường trên địa bàn xã.
Đây là mô hình mới của địa phương, hy vọng sẽ được duy trì, nhân rộng và được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân. Góp phần tạo nên một điểm tập kết rác văn minh, hiện đại, vừa đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật thu gom và xử lý rác thải, vừa thân thiện với môi trường và con người. Bên cạnh đó, góp phần thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về rác thải./.